Trước kia, khi chơi bất kỳ môn thể thao nào người ta cũng chỉ có một lựa chọn là giày thể thao đa năng. Ngày nay, với sự phát triển của nhu cầu và khoa học công nghệ, chúng ta có thể lựa chọn hàng trăm mẫu giày của hàng chục nhãn hiệu khác nhau cho từng môn thể thao riêng biệt. Tuy vậy, do có quá nhiều chủng loại nên rất nhiều bạn còn đang bối rối không biết chọn đôi nào phù hợp với môn thể thao mình thích. Sau đây Hồng Dung Sport sẽ hướng dẫn bạn cách chọn giày thích hợp cho một số môn thể thao cụ thể
PHÂN LOẠI CƠ BẢN
Giày thể thao được phân làm nhiều loại. Tùy theo mục đích sử dụng mà bạn lựa chọn cho mình một đôi phù hợp. Nếu bạn chơi đồng thời nhiều môn thể thao thì có thể chọn một đôi giày thể thao đa năng để sử dụng, xong tối ưu nhất thì vẫn nên chọn giày phù hợp với môn thể thao ưa thích để hạn chế chấn thương và bảo vệ đôi chân bạn. Sau đây là một số phân nhóm giày thể thao cơ bản:
Giày chạy bộ, đi bộ, giày tập: loại này thường nhẹ, đế mềm để chống sốc và hấp thụ lực khi chạy, đế thường có các rãnh lớn để tăng khả năng điều hướng và bám đường, đế cong dạng hình cung để phù hợp với chuyển động của chân khi chạy.
Giày cho các môn thể thao trên mặt sân cứng (court sports): bao gồm giày tennis, bóng chuyền và bóng rổ. Những môn thể thao này thường đòi hỏi phải di chuyển linh hoạt theo nhiều hướng như lên xuống, phải trái vì vậy giày cho các môn thể thao này đòi hỏi có sức bền cao. Điểm mấu chốt nằm ở đế giày. Mỗi môn thể thao riêng thường có các kiểu đế khác nhau để hỗ trợ phù hợp cho các chuyển động.
Giày sử dụng trên mặt sân cỏ (field sports): gồm các môn như bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục. Giày cho những môn thể thao này thường có đinh để tăng cường độ bám trên mặt sân.
Giày cho các môn thể thao mùa đông như hockey, trượt tuyết, trượt băng, trượt ván… chúng thường có cổ cao để bảo vệ và hỗ trợ mắt cá chân.
ĐẶC ĐIỂM THEO TỪNG LOẠI THEO MÔN THỂ THAO
Giày chạy bộ: Nếu bạn ưa thích chạy bộ, hãy chọn cho mình một đôi với đế có đệm mềm (đệm bọt khí) có khả năng hấp thụ lực và chống sốc tốt cho đôi chân bạn. Đồng thời đôi giày cũng cần có khả năng kiểm soát gót chân tốt (bó gót). Các yếu tố này sẽ giúp bạn hạn chế các chấn thương có thể xẩy ra như đau gót chân, rạn xương, căng cơ, giãn dây chằng, cũng như các chiệu trứng khác.
Giày đi bộ: Còn nếu bạn thích đi bộ hay được bác sỹ khuyên đi bộ nhiều thì hãy chọn cho mình một đôi giày nhẹ, có nệm giảm sốc ở gót chân và mu trước dưới bàn chân. Điều này sẽ giúp bạn giảm đau nhức gót chân và mu trước dưới bàn chân. Một đôi giày với đế cong cũng sẽ giúp trọng lực cơ thể chuyển đều từ gót chân lên các ngón chân khi di chuyển, giảm sức căng cho bàn chân bạn. Phần mũi thường cứng hơn so với giày chạy để các ngón chân không bị uốn cong quá mức như khi chạy.
Giày Aerobic: thường nhẹ để giảm sức nặng cho đôi chân đồng thời thường được tăng cường khả năng chống sốc ở mu trước dưới bàn chân nơi thường chịu nhiều trọng lực. Các chuyên gia khuyên nếu có thể bạn nên tập aerobic trong phòng có thảm.
Giày tennis: người chơi tennis đòi hỏi một đôi giày có khả năng giúp họ di chuyển nhanh theo nhiều hướng, trọng lực cơ thể liên tục thay đổi. Vì vậy một đôi giày có khả năng tạo sự kiểm soát cả má trong và má ngoài bàn chân là vô cùng quan trọng. Đế thường có nhiều rãnh nhỏ gợn sóng để hỗ trợ việc di chuyển theo nhiều hướng. Phần đế dưới mu trước bàn chân thường được tạo rãnh riêng để tăng khả năng kiểm soát và linh hoạt khi di chuyển, phản ứng theo hướng bóng. Với tennis hay các môn thể thao dùng vợt, khả năng chống sốc (hấp thụ lực) không yêu cầu cao như các môn thể thao khác. Trên mặt sân mềm như sân đất nện, bạn nên chọn loại giày có đế mềm để tăng độ bám. Trên mặt sân cứng bạn có thể chọn loại đế cứng hơn để tăng sức chịu đựng của đôi giày.
Giày bóng rổ: Nếu bạn chơi bóng rổ, hãy chọn một đôi có đế dầy và tương đối cứng vì nó giúp bạn giữ ổn định và thăng bằng tốt hơn trên mặt sân. Cổ giày cao sẽ giúp bạn hạn chế bị bong gân mắt cá chân khi nhẩy ném bóng.
LÀM GÌ KHI THỬ GIÀY TẠI CỬA HÀNG?
Không nên chỉ dựa vào cỡ giày để lựa chọn vì kích cỡ có thể thay đổi theo từng quốc gia hay từng hãng. Tốt nhất nên đo lòng bàn chân để lựa chọn giày phù hợp. Bạn có thể tham khảo bài viết "
Hướng dẫn cách đo size giày thể thao chính xác".
Nên đi mua giày sau khi chơi thể thao và cuối ngày vì đó là thời gian chân bạn phình to nhất. Nhớ là phải mang tất khi thử giày và phải là loại tất mà bạn thường sử dụng khi chơi thể thao, tập thể dục.
Chọn đôi giày vừa với đôi chân lớn hơn của bạn (thường chân trụ sẽ lớn hơn một chút).
Hãy chắc rằng có một khoảng trống ít nhất 1cm giữa ngón chân dài nhất và mũi giày.
Nếu bạn hay bị viêm đầu ngón chân hay đầu ngón chân có dáng bè thì hãy chọn một đôi có phần mũi rộng để không bị cảm giác gò bó.
Đối với bạn gái có bàn chân rộng thì có thể sử dụng giày thể thao nam để thay thế vì thông thường với cùng chiều dài thì giày nam có chiều rộng lớn hơn so với nữ.